Tìm

Biến đổi khí hậu và những dấu vết ‘hủy diệt’ trên khắp thế giới

  • 22/07/2021 09:54
Ebiz - Có thể nói rằng 'chúng ta đang ở giai đoạn đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái'. Cháy rừng, lũ lụt, nhiệt độ cao đang rang cháy nhiều người ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Các nhà khoa học cho biết thời tiết khắc nghiệt thảm khốc trên năm châu lục cùng lúc chứng tỏ chúng ta đang phải hứng chịu những tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu.

Cháy rừng ở Siberia, lũ lụt gây tử vong ở châu Âu, châu Á và nhiệt độ nung nấu ở Bắc Mỹ đang cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng nhanh hơn dự kiến.

Vương quốc Anh

Các nhà khí tượng học cho rằng hệ thống thời tiết cực đoan gây ra lũ lụt ở châu Âu tuần trước có thể đã gây ra lũ quét ở London và lượng mưa lớn ở các khu vực xung quanh.

Lũ lụt trên đường A20 London ở Aylesford gần Maidstone, sau khi sóng nhiệt giông bão đổ bộ vào Kent gây ra lũ quét. Ảnh: Grant Falvey/LNP

Những ngày sau đó, một đợt nắng nóng “làm tan chảy những con đường như sô cô la” và làm cong các đường ray xe lửa khi nhiệt độ ở Bắc Ireland đạt mức cao kỷ lục vào thứ Bảy.

Có những ngày người ta đo được, nhiệt độ đạt 31,2 độ C ở Ballywatticock, gần Newtownards ở Co Down. Mức cao trước đó là 30,8 độ C vào mùa hè năm 1976 và 1983.

Các nhà khí tượng cảnh báo nhiệt độ có thể lên tới 33 độ C trong những ngày tới, vượt qua các điểm đến nghỉ lễ như Marbella, Mykonos và Tenerife.

Bên cạnh nắng nóng, mưa dông cũng được dự báo sẽ gây ra lượng mưa lên tới 2,5 inch trong một giờ.

Cơ quan Y tế công cộng Anh cảnh báo nhiệt cấp độ 3 màu hổ phách của Anh – cấp độ 4 là tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được kéo dài đến thứ Sáu.

Trong đợt nắng nóng này, ở Anh đã có 2 người được cho là đã chết vì đau tim và “say nắng”, trong khi số người chết do đuối nước hôm 21/7 đã lên đến 13 người.

Châu Âu

Thảm họa ở miền Tây nước Đức và Bỉ đã cướp đi sinh mạng của gần 200 người và hàng trăm người vẫn mất tích.

Trận lở đất khủng khiếp ở Erfstadt, Đức. Ảnh: AFP

Lượng mưa kỷ lục khiến các con sông bị vỡ bờ đã gây lũ lụt ở cả hai quốc gia cũng như các vùng phía nam của Hà Lan và Thụy Sĩ. Toàn bộ cộng đồng, một số các tòa nhà có từ thời trung cổ cũng chịu cảnh bị ngập lụt thê thảm.

Các nhân viên cứu hộ đã phải vật lộn với hàng trăm đống đổ nát do mưa lũ tạo ra. Khoảng 17.150 ngôi nhà ở Bỉ không có điện vào cuối tuần, khoảng 30.000 không có nước uống.

Khoảng 3.500 ngôi nhà không có khí đốt và các quan chức cảnh báo rằng tình trạng thiếu nguồn cung cấp khẩn cấp có thể kéo dài trong vài tuần.

New Zealand

Hồi đầu tuần nay, bờ biển phía tây của New Zealand đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng, với tình trạng khẩn cấp địa phương được ban bố và hàng nghìn cư dân phải sơ tán khỏi nhà của họ.

Khủng hoảng lũ lụt ở Quận Buller của New Zealand. Ảnh: Crown Copyright 2021, New Zealand Defense Force. Được cấp phép theo Creative Commons BY 4.0.

Trận lũ lụt mới nhất đến sau trận mưa lớn và bão trong hai tháng qua khiến các bang ở Canterbury và Wellington của nước này phải đặt ở trong tình trạng khẩn cấp.

Ở các khu vực của bờ biển phía tây, các nhà khí tượng đã đo được chỉ trong hai ngày lượng mưa đạt gần một mét, tuy nhiên nó đã giảm trong một ngày cuối tuần.

Trận mưa lớn khiến sạt lở, sông vỡ bờ, hơn 2.000 người dân phải sơ tán.

Trung Quốc

Tại tỉnh Hà Nam, lượng mưa lớn như trút trong nhiều ngày đã khiến ít nhất 33 người chết, trong khi các nhà khí tượng học gọi là trận mưa lớn nhất tại tỉnh này lần đầu tiên xuất hiện trong 1.000 năm qua.

Nước sâu đến thắt lưng ở Trịnh Châu Trung Quốc sau trận mưa như trút nước. Ảnh: Getty Images

Các nhà khí tượng tính toán rằng, trung bình cứ mỗi giờ có lượng mưa hơn 203mm đổ ập xuống thành phố Trịnh Châu, nơi sinh sống của 10 triệu người. Khoảng 20.000 cư dân đã được sơ tán.

Lượng mưa đổ xuống liên tục hàng ngày đã khiến hệ thống tàu điện ngầm ngập chìm trong nước, nơi ít nhất 12 người trong số các trường hợp tử vong được cho là đã xảy ra, nước tràn qua các đường hầm, nhấn chìm các bệ và lấp đầy các toa tàu.

Ấn Độ

Ít nhất 35 người đã chết sau khi các tòa nhà sụp đổ trong trận lở đất ở Mumbai do mưa gió gây ra.

Lực lượng cứu hộ ở Chembur, Mumbai đang tìm kiếm sau trận lở đất. Ảnh: EPA-EFE/REX/Shutterstock

Lượng mưa lớn, được mô tả là “khủng khiếp”, đã giáng xuống thủ đô tài chính của Ấn Độ vào cuối tuần.

Ở ngoại ô phía đông Chembur, sự cố sập tường dẫn đến lở đất, phá hủy nhà cửa khi mọi người đang ngủ và làm ít nhất 21 người thiệt mạng.

10 người khác đã thiệt mạng ở ngoại ô Vikhroli khi một trận lở đất tấn công một số ngôi nhà.

Siberia

Một đợt nắng nóng ở một trong những khu vực lạnh nhất thế giới đã làm bùng phát các đám cháy rừng, khiến thành phố Yakutsk của Siberia phải đối mặt với một ‘ngày tận thế’ với làn khói dày đặc và độc hại.

Yakutsk ở Siberia bị bao phủ bởi khói do cháy rừng. Ảnh: Gavriil Starostin/TASS

Chính quyền địa phương đã cảnh báo 320.000 cư dân ở trong nhà để tránh bị ngạt khói. Đây có thể là một trong những sự kiện ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới từ trước đến nay.

Bắc Mỹ

Một đợt nắng nóng cực đoan đã gây ra các trận cháy rừng kinh hoàng ở California, Utah và Tây Canada.

Vào ngày 9 tháng 7, Thung lũng Chết ở California đã ghi nhận mức nhiệt cao lên tới 54,4 độ C – mức nhiệt cao nhất trong lịch sử Trái đất, vượt xa mức nhiệt được ghi nhận vào ngày 16 tháng 8 năm 2020.

Thung lũng Chết ở California đang trải qua sức nóng kinh hoàng. Ảnh: Getty Images

Một vòm nhiệt bao phủ phía tây Canada và tây bắc Hoa Kỳ trong 5 ngày đầu tháng này cũng đã đẩy nhiệt độ trên bờ biển lên 40 độ C – phá vỡ các kỷ lục lâu nay.

Sức nóng không ngừng được cho là đã giết chết 500 người ở tỉnh British Columbia của Canada và góp phần gây ra hàng trăm đám cháy rừng tại quốc gia này.

Các chuyên gia lo ngại nó đã giết chết hơn một tỷ sinh vật biển.

Tại bang Oregon của Hoa Kỳ, 80 vụ cháy rừng do sét đánh từ các cơn giông đã gây ra sức tàn phá nghiêm trọng.

Một ngọn lửa đã thiêu rụi một khu vực có diện tích gần bằng Los Angeles, với hơn 2.000 người buộc phải sơ tán.

Madagascar

Nam Madagascar đang phải chịu đựng đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ, với hơn 1,14 triệu người rơi vào cảnh thiếu đói, tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng đang diễn ra. Các cộng đồng đang trên bờ vực của nạn đói.

Madagascar đang bị hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Để thu hút sự chú ý đến các gia đình đau khổ và những người chết vì đói nghiêm trọng, Liên hợp quốc tuyên bố rằng “đây không phải là do chiến tranh hay xung đột, mà là do biến đổi khí hậu”.

Hàng ngàn người đã rời bỏ nhà cửa để tìm thức ăn. Những con còn lại hầu như không tồn tại bằng cách sống trên quả xương rồng đỏ, lá cây dại và cào cào trong nhiều tháng.

Không Ngộ