
App Store của Apple, dịch vụ tìm kiếm của Google, TikTok và WhatsApp nằm trong số gần 20 dịch vụ kỹ thuật số phải tuân thủ các quy định mới của châu Âu, quy định mới được thiết kế nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng, và hạn chế những rủi ro từ nhóm Big Tech.
Danh sách được gọi là “người gác cổng” đầu tiên theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ thứ Tư, bao gồm 6 công ty công nghệ lớn nhất thế giới: Apple, Microsoft, Google, Amazon và Meta có trụ sở tại Hoa Kỳ, cùng với ByteDance của Trung Quốc, công ty sở hữu TikTok.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, hôm thứ Tư, Brussels đã công bố và áp dụng các quy định mới. Theo đó, các ông lớn công nghệ hàng đầu sẽ phải chia sẻ dữ liệu với các đối thủ và làm cho dịch vụ của họ có thể tương tác với các đối thủ cạnh tranh, cùng với các nghĩa vụ khác, hoặc phải đối mặt với các khoản tiền phạt có thể lên tới hàng tỷ đô la. Luật mới được thiết kế để thúc đẩy sự cạnh tranh lớn hơn trong lĩnh vực công nghệ ở châu Âu.
22 dịch vụ được chỉ định làm “người gác cổng” còn bao gồm hệ điều hành iPhone của Apple và trình duyệt web Safari; Instagram và Messenger của Meta; kho ứng dụng của Google, Maps và YouTube; và thị trường và hoạt động kinh doanh quảng cáo của Amazon. Tuy nhiên, Samsung đã thoát khỏi việc bị xếp vào nhóm “người gác cổng” này.
Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, vẫn đang xem xét liệu có nên đưa iMessage của Apple và ba dịch vụ của Microsoft gồm tìm kiếm Bing, trình duyệt Edge và Quảng cáo của Microsoft, sau khi các công ty này phản đối, Financial times đưa tin.
Các cơ quan quản lý của EU hiện sẽ tiến hành một cuộc điều tra để xác định xem liệu các dịch vụ bổ sung của Apple và Microsoft có nằm trong luật mới hay không. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ mất một năm để xác định liệu hệ điều hành iPad của Apple có nên nằm trong danh sách hay không, mặc dù không nhận được đệ trình chính thức nào từ Apple.
Theo đạo luật, những đơn vị được gọi là “người gác cổng” phải có doanh thu hàng năm trên 7,5 tỷ euro, giá trị thị trường trên 75 tỷ euro và 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở EU, mặc dù các nhà quản lý EU có toàn quyền quyết định việc chỉ định ngoài các số liệu này. Các quan chức EU, cho biết dựa trên những tiêu chí này, Samsung đã lập luận thành công rằng trình duyệt web dành cho điện thoại thông minh của họ, Samsung Internet, không nên phải tuân theo các quy định mới.
Microsoft cho biết Bing không phải chịu các nghĩa vụ tương tự như đối thủ cạnh tranh lớn hơn của nó, Google Search. Apple cũng lập luận rằng iMessage không có những con số cần thiết để nằm trong phạm vi của các quy định mới.
Theo các nhà chuyên môn, Uỷ ban châu Âu đã chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức pháp lý của một số công ty công nghệ lớn này.
Các nghĩa vụ mới đối với những gã khổng lồ công nghệ, bao gồm nhu cầu thông báo cho ủy ban nếu họ có ý định mua đối thủ và thiết lập chức năng tuân thủ, sẽ có hiệu lực từ thứ Tư.
Tuy nhiên, họ có sáu tháng để chứng minh rằng họ tuân thủ các quy tắc còn lại, bao gồm yêu cầu pháp lý yêu cầu người dùng đồng ý nếu các công ty muốn hợp nhất dữ liệu từ các dịch vụ khác nhau, chẳng hạn như Instagram và Facebook, cũng như lệnh cấm xếp hạng của họ, và vấn đề sở hữu sản phẩm, dịch vụ cao hơn đối thủ trên nền tảng hoặc thị trường của họ.
Đến tháng 3 năm sau, các công ty này cũng sẽ cần công bố báo cáo tuân thủ để cho thấy họ tuân thủ luật pháp như thế nào. Nếu ông lớn công nghệ nào bị phát hiện vi phạm luật mới có thể bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu.
Diệp Nhung
Nguồn: Financial Times