Câu chuyện về cuộc tiếp xúc của nữ văn sĩ Tatyana Shchepkina-Kupernik người Nga với nhà vua lưu vong Hàm Nghi tại Algiers, thủ đô Algerie, thời kỳ 1902 cũng được Đài tiếng nói nước Nga (RFI) đăng tải trong loạt bài ở mục “Nhìn lại ngày hôm qua”.
Photo: The Voice of Russia
Cuộc tiếp xúc với hoàng đế
Theo RFI và miêu tả của sử gia Matxcova Maxim Syunnerberg: “Lần đầu tiên nữ văn sĩ làm quen với vị hoàng đế bị phế truất trong một khách sạn của thủ đô Algiers, bà trẻ hơn vua Hàm Nghi hai tuổi và khi ấy ở tuổi 28. Như bà đã viết, dáng vẻ của vua Hàm Nghi ngay lập tức lôi cuốn sự chú ý từ bà. Ông vấn khăn xếp màu trắng che tóc, khoác chiếc áo đen dài với tay áo rộng buông xuôi, lót lụa màu xanh lục”.
Diện mạo vua Hàm Nghi được nữ văn sĩ Tatyana Shchepkina-Kupernik mô tả: ông có nước da vàng ngăm đen mang sắc ngà voi ngả màu, đôi mắt rất thông minh và rất buồn, tay chân ông nhỏ nhắn, tất cả gợi lên hình dung về một bức tượng quý do bàn tay tài hoa của nghệ nhân phương Đông chạm khắc. Nhưng điều cuốn hút hơn cả đối với nữ văn sĩ là giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ của nhà vua. Như bà Shchepkina-Kupernik viết, đặc thù cách phát âm tiếng Việt làm cho chất giọng của ông có gì đó rất trong sáng, gây xúc động. Vua Hàm Nghi đã chiếm được cảm tình của bà bởi nét giản dị và cả tin của một đứa trẻ lớn.
Một ngày sau buổi làm quen, vua Hàm Nghi mời nữ nhà văn Nga và một vài người Pháp dùng bữa tại biệt thự mà ông được chu cấp ở ngoại vi Algiers. Căn nhà bài trí với sự pha trộn kỳ lạ giữa hai phong cách Âu – Á. Ở đây có những vật dụng hiện đại, tiện nghi của 110 năm trước đây, bên cạnh nhiều phẩm vật từ phương Đông. Nhưng đó không hề là những thứ vô dụng tầm thường mà người châu Âu khi ấy và bây giờ vẫn thích sưu tầm để trang bài nội thất. Những đồ vật ấy đều thân thuộc gắn bó và rất thiêng liêng đối với vua Hàm Nghi. Ví dụ, những tấm lụa dát chữ vàng danh ngôn của Khổng Tử; những cuộn sách, mực và bút lông trên bàn viết; các tấm chiếu dưới sàn. Bà Shchepkina-Kupernik bắt gặp cả nhạc cụ Việt Nam bên chiếc đàn piano và cây vĩ cầm, nhận ra giữa những tập nốt nhạc có tác phẩm của nhà soạn nhạc Glinka người Nga.
Bữa sáng được bày biện hoàn hảo đúng mốt Paris trên chiếc bàn trải khăn rắc hoa hồng và violet, hai người đàn ông trẻ để tóc bím và vận những chiếc áo tứ thân giống vua Hàm Nghi nhưng dài hơn, đứng chờ phục vụ. Bước chân trần của họ không gây tiếng động, họ khẽ đáp lại bằng tiếng mẹ đẻ khi được vua hỏi, với thứ âm thanh làm cho vị khách Nga có ấn tượng đang nghe tiếng reo của những chiếc tách sứ va vào nhau trên khay. Nữ văn sĩ Nga ghi lại rằng, hai thanh niên gốc quyền quý này đã tự nguyện theo vua Hàm Nghi ra nước ngoài sống lưu vong.
Bà Shchepkina-Kupernik để mắt tới giá vẽ với một phác họa dở dang và hàng chục bức tranh đã hoàn thành, chúng đã chứng tỏ một tâm hồn lớn của người họa sĩ toát lên từ vị vua có thân hình nhỏ bé này.
“Thật phải tội khi ngài không trưng bày tranh của mình ở Paris!” – một phụ nữ Pháp được mời hôm ấy nói với vua Hàm Nghi. “Tôi lại nghĩ, mình sẽ có tội nếu triển lãm những bức tranh ở Paris” – vị hoàng đế bị nước Pháp tước ngôi và quê hương trả lời. Khi cũng người phụ nữ này nhận xét về những cây hoa mọc tự do, không luống không rào trong khuôn viên biệt thự, vua Hàm Nghi cho biết: “Tôi không chèn ép hoa của mình. Hãy để cho ở đây ít nhất có chúng là được tự do”. Nữ văn sĩ Shchepkina-Kupernik viết: “Tôi hiểu ý nghĩa của những câu nói ấy. Vua Hàm Nghi mỉm cười nhưng nụ cười đau đớn hơn giọt nước mắt. Khoảnh đất Algiers, ngôi biệt thự, tất cả dường như được tạo ra cho hạnh phúc, vui thú, sự hưởng thụ. Nhưng quan sát người chủ góc thiên đường này, tôi đọc thấy trong mắt ông không có mặt trời, không có niềm vui ở nơi xa quê hương”.
Tiếng lòng với quê hương
Chúng ta đã biết rằng, sau buổi làm quen tại thủ đô Algeria, nữ văn sĩ được Hàm Nghi mời đến thăm nơi ở của nhà vua tại biệt thự El-Biar.
Sau bữa điểm tâm, các vị khách được mời dạo chơi bằng xe ngựa. Những người Pháp ngồi cả vào cỗ xe lớn, còn nữ văn sĩ Nga được vua Hàm Nghi mời ngồi bên mình trên cỗ xe nhỏ hai chỗ. Đích thân Hàm Nghi cầm cương điều khiển con ngựa yêu quí mà nhà vua đặt tên cho là Bạch Tuyết. Ngựa phăm phăm gõ móng kéo cỗ xe chạy nhanh trên con đường lượn quanh những quả đồi thấp nở đầy hoa. Nhận thấy vẻ thích thú của nữ văn sĩ Nga khi ngắm hoa nở, Hàm Nghi – vị hoàng đế chỉ già hơn cô gái Nga có 2 tuổi – đã ghìm cương và xuống xe, len lỏi trên đồi lựa hái những bông hoa đẹp nhất đem trao cho nàng.
Nữ văn sĩ viết trong Hồi ký rằng, trước khi tới thăm “hoàng tử Lý Tzong”, các bạn Pháp đã dặn vị khách Nga là “chỉ xin đừng nhắc gì với Hoàng đế về quê hương”.
Sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg nhận xét “Khi tiếp xúc với người Pháp, vua Hàm Nghi tránh nói về Tổ quốc của mình. Điều đó được khẳng định qua cuộc gặp giữa Hàm Nghi và chính khách Catroux, sau này là Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Chính Catroux đã viết trong hồi ký của ông ta rằng “Hàm Nghi là một biểu tượng của phẩm giá. Mặc dù cảnh sống lưu đày rất nặng nề, dù luôn luôn buồn nhớ quê hương và quan tâm đến số phận đất nước mình, nhưng ông ấy không bao giờ than thở với tôi về Việt Nam cũng như về cảnh ngộ của bản thân”.
Thế nhưng cùng vào thời gian ấy, Shepkina-Kpernik lại viết: “Rõ ràng là những gì nung nấu trong tim chàng và đòi được giãi bày thì Hoàng tử không muốn nói và đã không hề hé môi với những kẻ giam cầm mình. Nhưng chàng đã cởi mở nỗi lòng với tôi, người con gái của nước Nga xa xôi. Và thế là bắt đầu câu chuyện của hai con người, hai nền văn minh, hai chủng tộc rất khác nhau…”.
Nữ văn sĩ Nga hồi tưởng lại, chính Hàm Nghi là người đầu tiên bất ngờ mở lời nói với nàng về cố hương Việt Nam. “Chàng nói về đức tin của mình, về luận thuyết của Đức Khổng Tử vĩ đại, về chuyện những triết lý vi diệu của tín ngưỡng này được viết thế nào bằng tiếng mẹ đẻ của hoàng tử…Chàng nói về kinh đô của mình, nơi ngai vàng giờ đây thuộc về kẻ khác, còn chính hoàng tử thì thậm chí chẳng được nhìn thấy bầu trời quê nhà. Không chỉ bị cấm đoán trở về cố quốc, mà ngay cả ở xứ lạ này khi rời biệt thự vài giờ đồng hồ chàng cũng phải xin phép người Pháp…”.
Hàm Nghi bộc bạch sự ghen tỵ với nữ văn sĩ Nga vì nàng được du ngọan nhiều nơi, và nhà vua yêu cầu: “Xin hãy kể cho tôi về quê hương của nàng”. Sau những lời mô tả của nữ văn sĩ, bậc vương giả phương Đông trẻ tuổi nhận xét: “Ước sao tôi được ngắm cảnh tuyết rơi, được nhìn thấy miền thảo nguyên của nước Nga bao la…”.
“Xin mời đến thăm nước Nga!”, – tôi thốt lên vồn vã, – nữ văn sĩ viết trong Hồi ký -. Hoàng tử cúi thấp đầu. Khi lại ngẩng lên nhìn tôi, mắt chàng đã ướt. “Tôi chỉ là một con chim đã bị buộc chân”, – hoàng tử khẽ nói và mỉm cười, một nụ cười làm đau nhói lòng…
Và lúc đó tôi chợt hiểu rằng cái ông lão Ả Rập cùng khổ ăn mày ven đường mà chúng tôi vừa ném cho mấy đồng xu cũng còn hạnh phúc hơn Lý Tzong, có danh tiếng lẫy lừng, có tòa biệt thự trắng, có vàng bạc và kẻ hầu người hạ, nhưng lại không có tự do, thứ giản đơn mà cao hơn giàu sang phú quí và thậm chí cao hơn cả hạnh phúc riêng tư…”.
Nữ văn sĩ Nga trẻ tuổi cũng hiểu ra rằng, một đất nước nghèo khó nhất nhưng cho ta tự do thì vẫn tươi đẹp gấp vô vàn lần so với chốn hoa lệ, nơi mà cánh chim bất hạnh bị trói bởi sợi xích vàng.
Thái Đạt