Tìm

Cuộc đua không gian của các tỷ phú, và chuyện du lịch vũ trụ chỉ là ‘thú vui của giới nhà giàu’

  • 21/07/2021 10:20
Ebiz - Hôm thứ Ba, tỷ phú Jeff Bezos đã làm nên lịch sử với chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của tên lửa New Shepard của công ty Blue Origin do ông sáng lập. Bezos là tỷ phú thứ 2, sau Richard Branson bay vào không gian trong nỗ lực quãng bá và xây dựng hình ảnh của ngành du lịch vũ trụ, điều mà thế giới đang mong chờ.

Du lịch vũ trụ của Jeff Bezos và Blue Origin đã được coi là ‘thời gian vui chơi của con nhà giàu’. Ảnh Blue Origin

Tuy nhiên, cuộc chạy đua không gian đang nóng hổi này hiện chỉ mới dành cho giới nhà giàu, rất ít người có khả năng để tiếp cận. Các chuyên gia cho rằng lời hứa về du lịch vũ trụ với giá cả phải chăng là điều mà có lẽ rất lâu nữa mới thành hiện thực, hiện tại nó chỉ là “giấc mơ” và du lịch vũ trụ cũng chỉ là “thời gian vui chơi của giới nhà giàu” mà thôi.

Người sáng lập gã khổng lồ Amazon và Blue Origin Jeff Bezos, đã trở thành tỷ phú thứ hai bay vào không gian trên một con tàu vũ trụ do tư nhân chế tạo. Bezos đã được ông trùm Virgin Richard Branson ủng hộ hồi đầu tháng này nhưng tỷ phú và ba người bạn cùng phi hành đoàn của ông đã hoàn thành chuyến du hành vào không gian vào ngày thứ Ba 20/7 nhân kỷ niệm 52 năm ngày Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng. Vụ phóng của Bezos đánh dấu một cột mốc quan trọng khác đối với ngành du lịch vũ trụ non trẻ khi một trong bốn thành viên phi hành đoàn đã trả tiền để có được đặc quyền bay vào vũ trụ.

Mặc dù dân thường đã bay lên vũ trụ trước đây, nhưng điều đó chưa từng xảy ra trên tàu vũ trụ do tư nhân chế tạo. Nhưng theo Blue Origin và công ty đối thủ Virgin Galactic, những tiến bộ này là dấu hiệu cho thấy du lịch vũ trụ giá cả phải chăng sẽ sớm được cung cấp cho đại chúng.

Sau cùng, sứ mệnh của Blue Origin là xây dựng “một tương lai nơi hàng triệu người đang sống và làm việc trong không gian để mang lại lợi ích cho Trái đất”.

Phi hành đoàn Blue Origin: Mark Bezos, Jeff bezos, Oliver Daemen và Wally Funk [Trái sang phải] đã hoàn thành chuyến du lịch không gian đầu tiên của họ. Ảnh Blue Origin

Trước chuyến bay lịch sử vào ngày 11 tháng 7, tỷ phú Richard Branson đã tự hào khoe rằng “không gian thuộc về tất cả” và ca ngợi những nỗ lực của công ty ông trong việc thúc đẩy sự nghiệp ngành du lịch vũ trụ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không bị thuyết phục bởi những lời hứa táo bạo và thay vào đó họ cho rằng chi phí đi vào vũ trụ là quá phi thường đối với người bình thường.

Tiến sĩ Ian Whittaker, Giảng viên cao cấp về Vật lý tại Đại học Nottingham Trent, cho rằng không có khả năng các công ty tư nhân này sắp làm cho tàu vũ trụ có thể tiếp cận được.

Ví dụ, Virgin Galactic đã tính phí đáng kinh ngạc 182.900 bảng Anh (250.000 USD, tương đương với khoảng 5, tỷ đồng Việt Nam) cho mỗi chỗ ngồi trên chiếc phi cơ rực rỡ của nó.

Và một người chiến thắng cuộc đấu giá ẩn danh, người đã không bay cùng Bezos hôm thứ Ba, đã trả hơn 20 triệu bảng Anh (28 triệu đô la – tương đương với hơn 644 tỷ đồng Việt Nam) để bay trên New Shepard.

So sánh con số này với thu nhập hộ gia đình trung bình ở Anh là 29.000 bảng Anh vào năm 2020, thì rõ ràng là rất ít người có đủ khả năng để đi vào vũ trụ ngay bây giờ.

Tiến sĩ Robert Massey, nhà thiên văn học và Phó Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh, tin rằng sự cường điệu và phấn khích xung quanh các chuyến bay này cho thấy bức tranh toàn cảnh hơn, và du lịch vũ trụ chỉ là “thời gian vui chơi của con nhà giàu có”.

Trang Express dẫn lời tiến sĩ Massey nói: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự thổi phồng xung quanh du lịch vũ trụ và phải rất, rất nhiều năm nữa đây sẽ là một loại thị trường mà đại đa số mọi người đều có khả năng tiếp cận.

“Khi bạn nhìn vào giá vé, ngay cả loại rẻ nhất của Virgin Galactic, thì rõ ràng là phần lớn mọi người sẽ không có 250.000 đô la để có quyền truy cập vào không gian.

“Và ngay cả khi bạn cực kỳ lạc quan về giá vè giảm xuống, có vẻ như điều đó sẽ không thay đổi đáng kể trong ngắn hạn”.

Tàu vũ trụ đắt tiền, và tên lửa của bạn càng lớn, trọng tải càng nặng thì càng đắt.

Một cách mà các công ty đang cố gắng cắt giảm chi phí bay vũ trụ là phát triển các phương tiện phóng có thể tái sử dụng.

SpaceX của Elon Musk đã đạt được rất nhiều thành công trong lĩnh vực này, với phi đội tên lửa Falcon 9 của anh ấy liên tục lao vào và ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất.

Việc có thể tái sử dụng tên lửa sau mỗi chuyến bay giúp giảm chi phí phóng tổng thể và một số chuyên gia cho rằng sẽ cách mạng hóa hoàn toàn ngành công nghiệp này.

Đức Minh