Tìm

Đối diện làn sóng chỉ trích và kêu gọi tẩy chay, cha đẻ Bách Hóa Xanh xử lý thế nào?

  • 20/07/2021 02:10
Ebiz - Giữa muôn trùng khó khăn mà Nhà nước và Nhân dân đang phải gánh chịu trước những tác động của đại dịch Covid-19, hàng trăm tổ chức và cá nhân đang nỗ lực từng giờ để chia sẻ tình yêu thương trước khó khăn của đồng bào do giãn cách xã hội, Bách Hóa Xanh đã đi ngược lại mọi thứ.

Bách Hóa Xanh đối diện làn sóng chỉ trích và kêu gọi tẩy chay

Vẫn biết là quy luật cung – cầu, nhưng trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, việc có hành động đẩy giá bán tăng cao đã khiến Bánh Hóa Xanh phải hứng chịu làn sóng chỉ trích, thậm chí kêu gọi tẩy chay của người tiêu dùng.

Cách đây ít ngày, ban lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời giữa giai đoạn dịch bệnh. Nhưng cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống. Nguyên nhân là một loạt chi phí tăng trong mùa dịch.

Giải thích này của doanh nghiệp khiến người tiêu dùng càng bức xúc. Từ 16-7, lực lượng quản lý thị trường tại TPHCM đã kiểm tra 232/561 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TPHCM, sau khi có thông tin phản ánh của người dân về việc một số mặt hàng tại đây tăng giá. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết các cửa hàng đều có niêm yết giá bán đầy đủ. Lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho biết tăng giá vì lý do khách hàng, giá nhân công, vận chuyển, nhà cung cấp đều tăng.

Tuy nhiên, ngay trong ngày 16-7, tại Sóc Trăng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh này đã xử phạt một cửa hàng Bách Hóa Xanh về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.

Tiếp đó, tại tỉnh Đắk Lắk, Cục QLTT tỉnh này cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính 1 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại thành phố Buôn Ma Thuột, vì bán hàng không niêm yết giá, bán giá cao hơn so với giá niêm yết.

Cùng với đó là những lùm xùm nhân viên tính tiền nhầm, tính giá sai so với niêm yết, bán cao hơn giá niêm yết… bị cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành xử phạt, càng khiến người tiêu dùng bức xúc.

Câu chuyện của Bách Hóa Xanh đã khiến cổ phiếu của Thế giới Di động – MWG (cha đẻ của Bách Hóa Xanh) lao dốc thảm hại. Trong phiên giao dịch 19-7, cổ phiếu MWG giảm 6,9%, giảm từ 168.100 đồng/CP về sát mức giá sàn là 156.500 đồng/CP. Vốn hóa Thế giới Di động vì đó mà bốc hơi khoảng 5.500 tỷ đồng trong 1 phiên giao dịch.

Trước những bức xúc gắt gao của người tiêu dùng, tối 19-7, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động đã chính thức lên tiếng. Theo thông tin từ mục đầu tư tài chính của báo Sài Gòn Giải phóng, cha đẻ của Bách Hóa Xanh cho biết đã nhận được phản hồi và dư luận xoay quanh hai vấn đề, là giá bán một số mặt hàng tăng và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo. Như chưa cập nhật giá niêm yết kịp thời, tính tiền nhầm, cân sai, thái độ phục vụ chưa tốt… tại một số cửa hàng.

Ban lãnh đạo Thế giới Di động nói đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý, song song đó cũng đưa ra một số giải pháp để kiểm soát giá bán tại hệ thống Bách Hóa Xanh.

Doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu, cam kết giữ giá bán cố định đã đăng ký với Sở Công Thương TPHCM. Cùng với đó là bán hàng có giới hạn số lượng để bảo đảm nhiều người mua được hàng và tránh tình trạng “đầu cơ”.

Phía Bách Hóa Xanh cũng cam kết làm việc với nhà cung cấp để giữ giá mua vào, không tăng giá bất hợp lý, tiếp tục tăng sản lượng mua và giữ giá bán không tăng, để phục vụ người tiêu dùng.

Đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng cao bất hợp lý, Bách Hoá Xanh sẽ chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế, hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới, để giảm áp lực cung ứng, nhằm đáp ứng đủ sản lượng cho người tiêu dùng.

Lãnh đạo công ty cũng nhấn mạnh: Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng, hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá). Đồng thời, sẽ thông tin rõ ràng lý do đứt hàng vì giá mua vào tăng cao.

“Chúng tôi khẳng định Bách Hoá Xanh không có chủ trương tăng giá bán để gia tăng hiệu quả lợi nhuận. Bách Hóa Xanh đang nỗ lực tìm mọi cách để tăng sản lượng và kiểm soát giá bán trong bối cảnh giá mua vào và chi phí toàn chuỗi cung ứng tăng cao”, đại diện Thế giới Di động chia sẻ.

Đức Minh t/h