Tìm

Giới chức Mỹ ngừng phê duyệt các đợt IPO mới của Trung Quốc sau khi Didi sụp đổ

  • 02/08/2021 03:26
Ebiz - Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) đã nói với nhân viên của mình để hỏi thêm thuyết minh từ các công ty Trung Quốc đang tìm cách để IPO trước khi được chấp nhận để bán cổ phiếu tại Mỹ.

Thông báo hôm thứ Sáu, được báo cáo lần đầu tiên bởi Reuters, cho thấy các nhà quản lý đang có lập trường thận trọng hơn nhiều đối với các công ty Trung Quốc tìm cách bán cổ phần ở Mỹ sau cuộc khủng hoảng thảm khốc của gã khổng lồ ứng dụng gọi xe Didi Global.

Không lâu sau khi Didi đã niêm yết trên thị trường chứng khoán New York vào ngày 30, Bắc Kinh đã thẳng tay kiểm soát công ty do những lo ngại về các hoạt động an ninh mạng.

Cổ phiếu của Didi đã giảm hơn 30% so với mức giá chào bán lần đầu ra công chúng là 14 USD/cổ phiếu và đang giao dịch ở mức gần một nửa so với mức đỉnh trên 18 USD mà nó đạt được vào ngày IPO.

Sự giám sát của Trung Quốc đối với công ty là một phần trong nỗ lực rộng rãi hơn của chính phủ nhằm kiểm soát nhiều hơn những gã khổng lồ công nghệ “cây nhà lá vườn” của họ, nhiều người trong số họ đã chọn niêm yết cổ phiếu tại New York thay vì Hồng Kông hoặc Thượng Hải.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba (BABA), đối thủ thương mại điện tử JD (JD), gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent (TCEHY), công cụ tìm kiếm Baidu (BIDU) và công ty xe điện Nio (NIO) đều đã giảm từ 10% đến 20% trong tháng qua do lo ngại về các quy định thậm chí còn khắt khe hơn từ Trung Quốc và có khả năng là Mỹ.

Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết: “Trước những diễn biến gần đây ở Trung Quốc… chúng tôi đã yêu cầu nhân viên tìm kiếm một số thông tin tiết lộ nhất định từ các tổ chức phát hành nước ngoài liên kết với các công ty điều hành có trụ sở tại Trung Quốc trước khi tuyên bố đăng ký của họ có hiệu lực”.

Theo CNN, SEC đặc biệt lo ngại về các công ty Trung Quốc được cấu trúc như cái gọi là Thực thể có lãi thay đổi (VIE). Mặc dù có trụ sở tại Trung Quốc, nhưng các công ty này được thành lập như một công ty sản xuất được ngụy trang – thường ở những nơi thân thiện với thuế như Quần đảo Cayman để phát hành cổ phiếu.

Ngoài việc giảm thuế, các công ty đăng ký kinh doanh bên ngoài Trung Quốc thường có thể nhận được sự chấp thuận nhanh hơn từ các cơ quan quản lý ở Mỹ cho các đợt IPO.

Nhưng Gensler cho biết ông muốn các công ty này tiết lộ thêm thông tin giải thích rằng các nhà đầu tư không trực tiếp mua cổ phiếu của một công ty có trụ sở chính tại Trung Quốc, cũng như chi tiết hơn về mối quan hệ giữa công ty “vỏ bọc” và công ty mẹ.

Ông cũng muốn tiết lộ thêm về những rủi ro mà các công ty này phải đối mặt do bất kỳ thay đổi quy định nào của chính phủ Trung Quốc trong tương lai và muốn các công ty cung cấp thông tin tài chính chi tiết hơn.

Gensler cũng cho biết hôm thứ Sáu rằng ông đã yêu cầu các nhân viên của SEC “tham gia vào các cuộc xem xét bổ sung có mục tiêu về hồ sơ cho các công ty có hoạt động quan trọng tại Trung Quốc”.

Gensler nói: “Tôi tin rằng những thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng tổng thể của việc công bố thông tin đăng ký của các tổ chức phát hành ra nước ngoài có liên kết với các công ty hoạt động tại Trung Quốc.

Sau tuyên bố trên, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) hôm Chủ nhật đã kêu gọi Bắc Kinh và Washington “tăng cường giao tiếp” về cách các công ty Trung Quốc nên được quản lý.

Cơ quan quản lý của cả hai nước nên “giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan đến việc giám sát các công ty có trụ sở tại Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, để hình thành các kỳ vọng chính sách ổn định và tạo ra một môi trường pháp lý tốt”, CSRC cho biết.

Cơ quan này cũng tìm cách dập tắt lo ngại về kiểm soát cúng rắn của Bắc Kinh đối với các công ty Trung Quốc, vốn đã khiến các nhà đầu tư lo sợ và tuần trước dẫn đến một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán.

Trong tuyên bố của mình, CSRC “luôn cởi mở cho các công ty lựa chọn niêm yết chứng khoán của họ trên thị trường quốc tế hoặc thị trường trong nước”, đồng thời cho biết thêm rằng họ sẽ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác ở Trung Quốc để giữ minh bạch về chính sách ảnh hưởng đến các công ty như vậy.

Đức Minh

Theo CNN