Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiến nghị của HoSE về việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới (do FPT cung cấp) từ ngày 5/7/2021.
Bài viết liên quan:
HoSE sẽ được ‘giải cứu’ khi hệ thống giao dịch mới được vận hành, nhà đầu tư không còn nỗi lo nghẽn lệnh
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), vừa ký văn bản chấp thuận đưa giải pháp xử lý quá tải hệ thống giao dịch tại HoSE vào vận hành, từ ngày 5/7/2021.
Hệ thống giao dịch mới sẽ sử dụng phần mềm của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội do Công ty cổ phần FPT cung cấp.
UBCKNN giao HoSE chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung tại Biên bản kiểm thử với FPT, tổ chức kiểm tra, đánh giá, rà soát kỹ, bảo đảm vận hành hệ thống giao dịch an toàn, thông suốt.
Cùng với đó, HoSE hoàn tất các thủ tục tiếp nhận hệ thống, cung cấp dịch vụ và ký kết thỏa thuận với FPT trước khi hệ thống chính thức đi vào vận hành.
Hệ thống mới cũng sẽ bỏ cơ chế phân bổ lệnh, công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực. Một điểm quan trọng nữa là khi đưa hệ thống này vào vận hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng làm chủ hệ thống trong quá trình giám sát và khắc phục sự cố, cũng như có thể chủ động nâng cấp phần cứng, thuật toán để đáp ứng sự tăng trưởng tiếp theo của thị trường.
Trước đó, trong phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HoSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay, khiến UBCKNN và HoSE phải công bố ngừng giao dịch phiên chiều 1/6.
Kể từ đó, nhà đầu tư Việt Nam đối mặt với một tình trạng gây bức xúc và tiềm ẩn rủi ro lớn: nhiều công ty chứng khoán không cho phép sửa, hủy lệnh giao dịch. Điều này gây ra một làn sóng phản ứng tiêu cực rộng lớn trên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh thị trường lao dốc.
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với HoSE.
Trong một cuộc hội thảo về vấn đề nghẽn lệnh diễn ra gần đây, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng bày tỏ rằng hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều rất đáng tiếc, nhất là trong thời điểm thị trường phát triển rất mạnh. “Gần 1/4 thế kỷ tham gia gây dựng thị trường, chúng tôi chỉ mong muốn được như ngày hôm nay, thị trường phát triển về quy mô, giao dịch, huy động vốn… nhưng sự cố nghẽn lệnh làm cho chúng ta gặp rất phiền toái ở trong niềm vui chung đó”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết khi xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính coi đây là trường hợp khẩn cấp quốc gia, cần phải tập trung mọi nguồn lực, mọi nỗ lực để xử lý dứt điểm, không được để thị trường ngừng nghỉ ngày nào và tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư giao dịch.
“Để tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, chúng tôi không chỉ nợ một lời xin lỗi mà nợ nhiều lời xin lỗi. Chúng tôi rất mong các nhà đầu tư thông cảm”, ông Dũng nói.
Chia sẻ thêm về hệ thống mới, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty FPT IS cho biết hệ thống mới có năng lực xử lý được 3-5 triệu lệnh/ngày và sẽ bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các công ty chứng khoán được đẩy lệnh theo đúng năng lực của họ.
Đức Minh t/h