Tìm

Lãi suất tăng mạnh, doanh nghiệp lo lắng

  • 07/10/2022 11:39
Ebiz - Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay qua đêm đã ghi nhận mức 8,4%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng cao hơn đáng kể với mức gần 9,5%/năm. Điều đó đang khiến các doanh nghiệp sản xuất lo lắng không yên...

Thông tin được báo điện tử VTV.vn chia sẻ: Các mức lãi suất 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng cũng đều ở mức khá cao; lần lượt là 8,47%/năm, 7,69%/năm, 8,16%/năm, 8,21%/năm và 9,72%/năm.

Theo đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện nay đã vượt khá xa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong giai đoạn đầu tháng 9.

VTV.vn dẫn nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng trong tuần từ 19 – 23/9 chỉ ở mức lần lượt là 4,96%/năm, 5,19%/năm, 5,5%/năm, 5,65%/năm, 7,56%/năm và 7,54%/năm. Mặt bằng lãi suất giai đoạn này cũng đã có diễn biến tăng so với thời điểm giữa tháng 9.

Trước đó, lãi suất liên ngân hàng cũng đã có giai đoạn biến động vào đầu tháng 9. Lãi suất cho vay qua đêm hôm 6/9 ghi nhận mức 5,71%/năm; trong khi các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng lần lượt là 5,52%/năm, 6,13%/năm và 6,78%/năm.

Sau đó, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã dịu lại vào giữa tháng 9 với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng tại thời điểm 16/9 chỉ ở mức lần lượt là 4,25%/năm, 4,5%/năm, 4,4%/năm, 5,29%/năm và 5,59%/năm.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh đến từ nhịp hút ròng mạnh của Ngân hàng Nhà nước vào trung tuần tháng 9 trước khi nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra lượng lớn USD để bình ổn tỷ giá cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm để duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, từ đó tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, động thái này của nhà băng đã khiến cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chiều cho vay của ngân hàng.

Báo điện tử Đầu tư online dẫn lời ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit thông tin, lãi suất cho vay tăng là một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các doanh nghiệp đau đầu. Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên, nên các doanh nghiệp đang được vay với lãi suất chỉ 5-6%/năm. So với đầu năm 2022, mức lãi suất này tăng thêm 0,5%. Trước động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông dự đoán lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

“Khoảng 30-50% vốn hoạt động của doanh nghiệp là từ ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa trải qua đợt dịch Covid-19, chưa kịp phục hồi, mà nay phải đối diện với biến động tài chính thì càng thêm khó khăn”, ông Viên lo ngại.

Tương tự, ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam cũng cho hay, nhiều ngân hàng lấy lý do hết hạn mức tín dụng nên không cho vay. Một số doanh nghiệp được duyệt vay với lãi suất cao hơn bình thường, dao động từ 8,5% đến 10%/năm. Hiện các doanh nghiệp đang lo lắng vì thời gian tới, lãi suất cho vay có thể còn tiếp tục tăng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, lãi suất vốn vay ngân hàng luôn là một trong những yếu tố trực tiếp tác động vào giá thành sản phẩm, dịch vụ và cũng trực tiếp kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Nỗi lo của doanh nghiệp càng lớn hơn khi suốt từ cuối năm 2015 đến nay, các cuộc chạy đua lãi suất huy động vẫn ngầm diễn ra giữa các tổ chức tín dụng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đây chính là tiền đề để tạo ra lãi suất bình quân trên 13 tháng tăng. Bởi khi các doanh nghiệp vay đầu tư vào các tài sản cố định, đổi mới trang thiết bị hoàn toàn phải sử dụng vốn vay trung và dài hạn. Các ngân hàng sẽ sử dụng lãi suất tiết kiệm trung bình 13 tháng cộng với biên độ, khi lãi suất huy động tăng lên thì nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên.

Làm thế nào để ngân hàng không tăng lãi suất cho vay khi lãi suất điều hành tăng và lãi suất huy động tăng là câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Giới chuyên gia tài chính – ngân hàng đề xuất, lúc này cần cởi bỏ hạn mức tín dụng để cởi trói cho nền kinh tế. Hiện thặng dư thương mại đang tăng, thặng dư tài khoản vãng lai cũng bắt đầu có sau thời gian thâm hụt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể, kiểm soát tỷ giá hối đoái tốt. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp thị trường phục hồi. Khi đó, áp lực lạm phát có thể gia tăng, nhưng Chỉ số Giá tiêu dùng bình quân vẫn hợp lý.

Đức Minh t/h