Tìm

Những bất trắc của nền kinh tế toàn cầu

  • 12/01/2023 04:38
Ebiz - Các chính phủ nên hợp tác trong việc giải quyết nhiều rủi ro để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn, các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo

Giới thượng lưu Davos gặp khó khăn bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ảnh: Getty Images

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã cảnh báo rằng: Khủng hoảng chi phí sinh hoạt, suy thoái kinh tế và nợ nần chồng chất là những mối đe dọa ngắn hạn lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khảo sát hàng năm với 1.200 chuyên gia chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự được công bố trước hội nghị thượng đỉnh Davos, cho biết thế giới sẽ khó có thể thấy bất kỳ sự cứu trợ nào trong hai năm tới khi các quốc gia phải vật lộn với “khủng hoảng năng lượng, lạm phát, lương thực và an ninh”.

2/3 số người được hỏi cho rằng nhiều cú sốc bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 gần đây và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine sẽ gây ra khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần, trong khi 1/5 số chuyên gia dự báo “những kết quả thảm khốc” trong vòng một thập kỷ.

“Chúng tôi đang xem xét một thứ gì đó vừa mới mẻ nhưng đồng thời cũng rất quen thuộc”, lãnh đạo quản lý rủi ro của Continental Europe tại Marsh, bà Carolina Klint nói với CNBC. “Vì vậy, chúng tôi nhận thấy sự quay trở lại của một số rủi ro cũ mà chúng tôi cảm thấy đã đạt được tiến bộ tốt trong việc giải quyết, nhưng hiện đã quay trở lại rất nhiều trên bản đồ rủi ro”, bà nói thêm.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt được coi là rủi ro tức thời nhất và “rất khó chấp nhận” vì nó ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Bà Klint kết luận: “Các chính phủ hiện đang thực sự nỗ lực để giảm thiểu tác động đó, đồng thời họ đang cố gắng bảo vệ khỏi lạm phát gia tăng và xử lý các khoản nợ cao trong lịch sử.

Các tác giả của báo cáo kêu gọi sự hợp tác toàn cầu và tuyên bố rằng nếu các nhà chức trách không quản lý được cuộc khủng hoảng hiện tại, họ “có nguy cơ tạo ra tình trạng bất ổn xã hội ở mức độ chưa từng có, khi các khoản đầu tư vào y tế, giáo dục và phát triển kinh tế biến mất, làm xói mòn thêm sự gắn kết xã hội”.

Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi, người tin rằng thế giới có thể đang bước vào một “vòng luẩn quẩn”, cảnh báo rằng “trong sự kết hợp độc hại giữa những rủi ro toàn cầu đã biết và đang gia tăng, một sự kiện gây sốc mới, từ một cuộc xung đột quân sự mới đến một loại virus mới có thể trở nên không thể quản lý được”.

Báo cáo cho biết, thế giới có thể đối mặt với thách thức “đa khủng hoảng” trong tương lai gần, với các vấn đề chồng chéo, đồng thời nhấn mạnh “sự cạnh tranh tài nguyên” là một trong những mối đe dọa lớn nhất khi các quốc gia tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu về tài nguyên thiên nhiên.

Trần Nhung

Theo RT news