
Nối mạch hứng khởi từ tuần giao dịch trước, phiên giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Thị trường hào hứng bật giá ngay từ đầu phiên, điển hình VN-Index mở cửa đã tăng ngay hơn 7 điểm. Với sự dẫn dắt của các cổ phiếu có vốn hóa lớn, sắc xanh dần lan rộng.
Cổ phiếu tăng giá áp đảo với biên độ tăng khá tốt cho thấy lực cầu giá cao đã duy trì được ổn định. VN-Index giảm thấp nhất lúc 9h40 vẫn ở mức giá 1.230 điểm, đồng thời thanh khoản đến từ bên mua được đẩy lên cao. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng 14% so với phiên trước, tạm kết phiên sáng VN-Index “neo” tại 1.233 điểm.
Tuy nhiên, vào phiên chiều, bên bán bắt đầu nhập cuộc. Thị trường chứng kiến nhiều đợt giằng co mạnh. Đỉnh điểm, sau 14h VN-Index lao dốc “trượt” khỏi mốc 1.230 điểm. Khoảng thời gian còn lại, lực cầu trở lại bất chấp lực cản “xả ròng” từ khối ngoại, VN-Index thoát phiên nối dài mạch tăng thứ 5 liên tiếp và là phiên tăng trên 10 điểm thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, kết phiên VN-Index tăng 10,93 điểm (+0,89%) vượt lên 1.234,98 điểm. HNX-Index tăng 2,58 điểm (+1,01%) lên vùng giá 252,28 điểm. UPCOM-Index cũng có thêm 0,97 điểm (+1,04%) đạt 94,29 điểm.
Khối ngoại giao dịch hơn 3.500 tỷ đồng và bán ròng gần 400 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất 188 tỷ đồng, kế tiếp là VIC 178 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Danh sách còn có chứng chỉ quỹ FUEVFVND, STB, VHC, KBC, MSN, VCB…
Ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất 194 tỷ đồng. TPB cũng được mua ròng 158 tỷ đồng. VHM được mua ròng 66 tỷ đồng. HDB, MWG, PVT, GMD được mua ròng 26-43 tỷ đồng.
VN30 cũng tăng hơn 10 điểm, với hai mã có tác động tích cực nhất là VCB và VHM, cùng tăng 1,1%. Tăng mạnh nhất là MBB 3,5% và VNM 3%. VNM vươn lên mức giá 80.100 đồng, cao nhất kể từ tháng 11/2022. So với cách đây 2 tháng, cổ phiếu của Vinamilk đã tăng 27%.

Trong bối cảnh giá diễn biến tích cực, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký bán toàn bộ 965.000 cổ phiếu VNM, giảm sở hữu xuống còn 0%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/9- 7/10 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.
Trước đó, SIC đã bán ra 85.000 cổ phiếu VNM trong số 1,05 triệu cổ phiếu đăng ký từ ngày 3/8-31/8. Nguyên nhân không bán được hết do biến động thị trường. Số cổ phiếu còn lại được SIC tiếp tục đăng ký bán trong lần này.
Các cổ phiếu còn lại trong nhóm VN30 đa số đều kết phiên trong sắc xanh, chỉ có BCM, SSB, SSI, VRE giảm giá. SSB giảm mạnh nhất 2,1%.
Nhóm ngân hàng là động lực chính để thị trường đi lên. Ngoài SSB thì chỉ có EIB giảm 1,7%. Còn lại các mã bank đều ở chiều tăng, với MSB tăng mạnh nhất 6,4%. KLB, MBB, VAB tăng hơn 3%. ABB, BVB, NVB, OCB, SGB, VBB tăng hơn 2%.
Nhóm dầu khí bứt phá nhất với PVC tăng 4%, BSR, OIL, PTV, TOS tăng gần 4%. PVS, PVB tăng hơn 2%. Cổ phiếu nhóm này khởi sắc trong bối cảnh giá xăng dầu hôm nay (5/9) trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao, hướng đến mốc 90 USD/thùng. Giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh chiều nay cũng tăng lần thứ 6 liên tiếp.
Nhóm bất động sản phân hóa nhưng sắc xanh vẫn chiếm ưu thế. VHM, VIC, DIG, PDR, NLG đều ở chiều tăng với tỷ lệ trên dưới 1%. QCG và HPX tiếp tục chuỗi tăng trần từ tuần trước. QCG đã vươn lên mức giá 13.350 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 4/2022. HPX cũng tăng lên mức giá 7.300 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 12/2022.
Các mã bất động sản tăng mạnh còn có NVL +4,7%, CEO +4,2%, L14 +4,7%, API +4%.
NVL tiếp tục giữ ngôi vị “quán quân” thanh khoản với gần 54 triệu cổ phiếu được sang tay. Với mức tăng trên, mã này đã về lại vùng giá 21.400 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 11/2022. So với mức đáy hồi cuối tháng 2/2023, cổ phiếu của Novaland đã tăng 110% giá trị.
Nhóm chứng khoán kém sắc hơn, khi các mã đầu ngành như SSI, VIX, VCI, SHS đều ở chiều giảm, dù mức độ điều chỉnh không lớn. VND đứng tham chiếu. Vẫn nhiều mã nhỏ “ngược dòng” như PHS +9,6%, HAC +5,2%, IVS +4,7%…
Diệp Nhung tổng hợp